GS Bùi Hiền

Theo PGS –TS Bùi Hiền (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội), những ngày gần đây có một người phụ nữ đã đến nhà và nhờ ông viết tặng đôi câu đối để về treo vào dịp Tết. Đặc biệt, người này một mực muốn ông viết bằng chữ cải tiến “tiếw Việt”.
Dù ông đã từ chối, với lý do mình không quen viết thư pháp, nhưng người phụ nữ nói rằng mỗi dịp năm mới đến, người Việt thường có tục đi xin chữ đầu năm. Việc cô đến nhà xin chữ của ông – một nhà giáo – là thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

Người này đem bút lông, giấy mực đến và bày tỏ mong muốn tôi viết tặng đôi câu đối bằng chữ cải tiến theo công trình nghiên cứu khoa học của tôi. Thấy câu đối rất ý nghĩa, nên sau đó tôi đã nhận lời” – PGS-TS Bùi Hiền chia sẻ.

Theo đó, hai đôi câu đối được PGS Hiền chuyển sang bảng chữ cái cải tiến là: “Trời thêm tuổi mới năm thêm thọ – Xuân khắp càn khôn phúc khắp nhà”; “Xuân an khang đức tài như ý – Niên thịnh vượng, phúc thọ vô biên”.
Vì là lần đầu viết thư pháp, PGS Bùi Hiền tự nhận là chưa được đẹp và mềm mại. Tuy nhiên việc có một người trân trọng công trình khoa học của ông, chữ cải tiến của ông như vậy khiến ông rất vui mừng và có thêm động lực nghiên cứu.

Cũng theo PGS Bùi Hiền, chữ viết mới của ông truyền tải chính xác nội dung của câu đối và không phá vỡ giá trị ý nghĩa, thẩm mỹ của nó.

Nhớ lại quãng thời gian mới tiết lộ về công trình cải tiến chữ viết, PGS Bùi Hiền cười: “Nếu là người khác khéo đột quỵ rồi. Cuộc sống của tôi cũng thay đổi khi liên tục phải tiếp báo chí, bị dư luận chỉ trích, “mạt sát” trên mạng xã hội. Nhưng không vì thế mà tôi buồn rầu. Tôi chỉ không vui khi có người dùng công trình của mình với mục đích xấu, xuyên tạc”.

PGS Bùi Hiền cũng “khoe” ông đã chuẩn bị Tết đủ đầy hết rồi, dù đang ở một mình tại căn tập thể nhỏ ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Đồ ăn thức uống cũng được các con mang đến để bố ăn tết, vì khuyên mãi ông không chịu về ở với con cháu.

“Tôi thích ở một mình để tập trung thời gian cho việc nghiên cứu. Ở với các con lại vướng chân chúng nó” – PGS Bùi Hiền chia sẻ.

Trước đó, ông đã dành 20 năm để nghiên cứu cải tiến chữ viết. Sau khi có những tranh cãi trong dư luận, ông tiếp tục bỏ thời gian để chuyển 3.254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều sang ngôn ngữ “Tiếw Việt” của mình.

Ông cho biết, việc nghiên cứu chỉ để thỏa mãn niềm đam mê cá nhân của ông. Khi nào còn sức khỏe thì ông vẫn làm việc, theo đuổi niềm đam mê của mình.

Tết giản dị một mình của vị phó giáo sư “cải tiến Tiếng Việt” Bùi Hiền
Sống trong căn phòng nhỏ ở khu tập thể cũ, nhiều năm nay vị phó giáo sư già đón tết một mình, thế nên tết của ông cũng rất giản dị. Điều bất ngờ nhất là việc ông dành tất cả thời gian nghỉ tết để làm việc, làm bạn với chiếc máy tính.

Nhiều năm đón Tết một mình
Những ngày cuối năm, chúng tôi đã tìm đến khu tập thể cũ nằm ngay đầu phố Nguyễn Qúy Đức (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để thăm nhà vị phó giáo sư Bùi Hiền, người có công trình cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt được nhiều người biết đến.

Căn phòng nhỏ của ông Hiền nằm ở tầng 3 của khu tập thể, phòng cũng đã xuống cấp theo thời gian. Nhẹ nhàng rót nước pha ấm trà nóng, vị phó giáo sư già chia sẻ, ông sống ở ngôi nhà này từ năm 1983, đây là nhà được nhà nước cấp.

PGS Bùi Hiền vui vẻ cho chúng tôi hay, những món đồ Tết trong nhà đã được con trai ông sửa soạn mấy hôm nay để ông có cái Tết ấm cúng.

Khi biết trong ngôi nhà này chỉ có mình ông sinh sống, ông nói với tôi rằng, mấy chục năm nay ông đều sống một mình tại đây. Những ngày bình thường, ông làm tất cả mọi việc để lo cuộc sống, còn khi đau ốm hoặc có chuyện gì bất ngờ, ông đều phải nhờ đến người bạn thân thiết ở căn phòng đối diện.

Nhấm nháp ly trà, ông Hiền kể, gia đình ông có 5 người con trai hiện đã lập gia đình và sinh sống ở xa, thỉnh thoảng mới về thăm ông. Vợ ông mấy năm trước đã sang Ba Lan để sống với người con trai cả.

“Con mời tôi sang ở cùng, không muốn để tôi lại một mình nhưng tôi không sang vì tôi không muốn, ở đây tôi còn có công việc để làm chứ sang đó không làm gì cũng chán.

Mấy năm nay tôi đón Tết một mình vậy đó, cũng có chút buồn nhưng lâu dần nên cũng thành quen. Ngày Tết con chuẩn bị đồ cho hết, cũng chẳng có gì, ít kẹo bánh, cành đào, gói trà với gói cà phê, vậy thôi.”, ông Hiền vui vẻ nói.

Vừa nói ông Hiền vừa cầm những tờ câu đối từ chữ Tiếng Việt cũ sang theo bảng chữ cái cải tiến do ông tự viết khoe với chúng tôi, ông nói đây là những câu đối người khác nhờ ông viết tặng.

Làm bạn với chiếc máy tính
Trong câu chuyện với tôi vị phó giáo sư già cho biết công việc là đam mê, thú vui của ông từ lâu nay, ông xem chiếc máy tính như là người bạn tri kỷ của mình. Ông chia sẻ một việc khá bất ngờ, đó là ngày Tết người ta dành thời gian đi chơi, chúc Tết nhau nhưng ông lại dành tất cả thời gian để làm việc, khi nào mệt mới nghỉ tay.

“Mấy ngày Tết tôi vẫn làm việc bình thường, khi nào mệt thì tôi đi ngủ hoặc là đi dạo xung quanh nhà. Tôi năm nay đã 84 tuổi rồi sức khỏe không còn tốt nữa nên không thể đi đâu xa, ngày Tết cũng chỉ quanh quẩn ở nhà thôi.

Thỉnh thoảng có bạn bè, đồng nghiệp đến chúc Tết, uống trà đàm đạo sự đời. Còn không thì tôi lại ngồi vào bàn làm việc, lâu rồi nên giờ thành quen” vị phó giáo sư cho biết.

Nhắc đến bảng chữ cái Tiếng Việt cải tiến gây xôn xao của mình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (Hà Nội) cho biết, mới đây nhiều người đã liên lạc, gửi thư cho ông bày tỏ sự chia sẻ, động viên ông về công trình nghiên cứu này.

Bên cạnh đó, một quán trà đá ở gần nhà ông đã sử dụng bảng chữ cái cải tiến này để quảng cáo cho việc bán hàng.

Nhìn nhận lại công trình nghiên cứu năm vừa qua của mình, bản thân ông tự hào khi đã đóng góp chút công sức của mình cho xã hội.

Ông cho biết thêm, bảng chữ cái của ông hiện vẫn chưa được áp dụng nhiều, lượng người chê bai ném đá vẫn còn rất lớn nhưng ông không quan tâm đến việc này. Ông dự tính, sang năm tới ông sẽ dành thời gian để giúp cho những ai muốn tìm hiểu về bảng chữ cái của mình.

“Hiện công trình của tôi đã xong, sang năm tôi sẽ dành thời gian để giúp cho những người nào cần tìm hiểu về bảng chữ cái trên, nếu ai muốn tôi mở lớp hướng dẫn tìm hiểu tôi luôn sẵn sàng tham gia.

Có thể công trình bảng chữ cái cải tiến có thể hết đời tôi cũng không thể áp dụng vào thực tế nhưng tôi tin mọi người về sau này sẽ dần hiểu những lợi ích về kinh tế, giảm thiểu ký tự, thời gian mà nó mang lại và biết đâu, đến lúc nào đó nó lại cần thiết”, ông Hiền chia sẻ.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *